Khái quát lịch sử phát triển Bệnh viện

Đăng lúc: 10:57:39 13/12/2019 (GMT+7)

 1. Giai đoạn từ 1945-1954.
          Sau cách mạng tháng 8 năm 1945 Ngành Y tế huyện chính thức ra đời. Phòng Y tế huyện do một Y tá làm Trưởng phòng ( Y tá Đăng) và làm tham mưu cho UBND kháng chiến hành chính huyện trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Ở tuyến xã, đã đào tạo được một số vệ sinh viên, Cứu thương làm công tác vận động nhân dân phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng ( Đậu mùa ), cấp cứu Chiến thương; Khi Pháp ném bom, bắn phá, tập kích vào địa bàn huyện và làm nhiệm vụ cứu chữa một số bệnh thông thường.. (Những vệ sinh viên ban đầu của huyện như Bác Nguyễn Văn Thăng, Bác Lê Văn Nương…) đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thành công.
          2. Giai đoạn từ 1955-1975.
          - Sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi. Năm 1954 Từ nơi sơ tán tại xã Anh Sơn Phòng Y tế huyện dời về xã Hải Lĩnh và thành lập Trạm y tế huyện (tiền thân của BVĐK Tĩnh Gia), do một Y tá (Đóa) làm Trưởng phòng Y tế, kiêm Trạm xá trưởng. Sau đó Y tá Tráng thay Y tá Đóa làm Trưởng phòng Y tế, kiêm Trạm xá trưởng.
          - Thời kỳ này nhiệm vụ chủ yếu của Y tế huyện là vận động nhân dân trong huyện thực hiện công tác vệ sinh phòng bệnh, phát động phong trào ba diệt ( diệt chuột, diệt ruồi, diệt muỗi ), phong trào làm giếng khơi, làm nhà tiêu hai ngăn. Đến năm 1960 đã hình thành tổ công tác liên hợp làm nhiệm vụ vệ sinh phòng dịch, phòng chống sốt rét, mắt hột, phòng chống bệnh lao và da liễu, vận động nhân dân chăm sóc sức khỏe phụ nữ, vận động sinh đẻ có kế hoạch do trưởng phòng Y tế trực tiếp chỉ đạo. Trạm Y tế huyện đã hình thành các tổ cấp cứu nội khoa, sản khoa, ngoại khoa làm cơ sở cho việc thành lập Bệnh viện huyện vào năm 1963 tại Cồn Cát - xã Hải Lĩnh. Thời kỳ này do ông Lê Đăng Miên làm Bệnh viện trưởng kiêm trưởng phòng Y tế.
          - Ở tuyến xã: Các Vệ sinh viên và cứu thương thời kỳ chống Pháp được đào tạo nâng cấp thành Y tá hoặc Nữ hộ sinh sơ cấp. Cùng với các đồng chí Y tá từ quân đội phục viên về, thành lập các Trạm y tế xã vào năm 1960.
          Từ năm 1965-1972: Cùng với không khí sôi nổi thi đua kiến thiết, kiến Quốc của cả nước, ngành Y tế huyện đã lớn mạnh về mọi mặt, BV huyện được xây dựng với những khu nhà mái ngói tại Cồn Cát - xã Hải Lĩnh với các khoa, phòng khang trang sạch sẽ đón người dân trong huyện đến khám, chữa bệnh ( thay vì trước đây phải đi Bệnh viện tỉnh hoặc Bệnh viện khu vực Chuối tại huyện Nông Cống khám, chữa bệnh ). Tháng 4/1965 Đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc XHCN; Từ đây mọi hoạt động của ngành Y tế huyện chuyển sang thời chiến và cũng vào thời điểm này Bệnh viện và phòng Y tế huyện chuyển về sơ tán tại thôn Quyết Thắng xã Nguyên Bình; Thời kỳ này Y sỹ (Nguyễn Duy Kỳ) làm Trưởng phòng Y tế và Y sỹ (Bùi sỹ Thành) làm Bệnh viện Trưởng. Đến năm 1966 Bệnh viện có Bác sỹ đầu tiên (là Bs Bình) làm Trưởng khoa ngoại.
          Trong chiến tranh phá hoại của Mỹ, huyện Tĩnh Gia là trọng điểm đánh phá của máy bay và tàu chiến Mỹ. Các tuyến đường quốc lộ 1A, đường sắt, đường sông theo dòng sông kênh than là tuyến vận tải chiến lược từ Bắc vào Nam, vận chuyển gạo, đạn dược, vũ khí cho chiến trường Miền Nam. Những trọng điểm đánh phá đã trở thành túi đựng bom của giặc Mỹ như: Cầu Vằng, Cầu Hổ, Khoa Trường, Cầu Đồi, Phà Ghép, Phà Ngọc Trà, hàng nghìn chiến sỹ và nhân dân bị thương vong và ở những nơi này, ngày đêm đều có cán bộ y tế từ huyện đến xã làm nhiệm vụ cứu thương. Tại xã Nguyên Bình, Bệnh viện phải sơ tán trong vườn của nhà dân, phòng mổ và nhà bệnh nhân phải ở dưới hầm. Toàn bộ hệ thống cầu đường bị đánh phá. Mọi việc vận chuyển bệnh nhân lên tuyến trên đều bằng đôi vai của cán bộ y tế và nhân dân.
Tháng 11 năm 1966 giặc Mỹ đã ném bom vào Bệnh viện, hàng chục bệnh nhân và người nhà bị thương vong. Song toàn thể cán bộ, nhân viên Bệnh viện đều không nao núng, quyết tâm bám trụ để cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân.
Năm 1967 Huyện ủy điều ông: Hoàng Văn Tiêu - Bí Thư xã Hải Thượng về làm Bệnh viện phó phụ trách công tác Đảng, công tác chính trị.
Năm 1972 Bác sỹ Nguyễn Xuân Khuê được Ty Y tế điều về làm trưởng phòng Y tế kiêm Bệnh viện trưởng. Trong chiến tranh hàng chục Y sỹ được gửi đi đào tạo Bác sỹ chuyên tu tại Đại học y khoa Thái Bình. Đến năm 1972 Bệnh viện đã có 9 Bác sỹ. Ở tuyến xã lần đầu tiên đã có Bác sỹ ở các xã: Thanh Thủy, Triêu Dương, Xuân Lâm, Bình Minh, Mai Lâm, Nghi Sơn. Trong những năm chiến tranh ngành y tế đã trưởng thành vượt bậc cả về lực lượng và khả năng chuyên môn nhất là ngoại và sản khoa, đã phẫu thuật các trường hợp từ Đại phãu trở xuống được nhân dân trong huyện tin tưởng. Công tác vệ sinh phòng dịch, phòng chống sốt rét, phòng chống các bệnh xã hội, sinh đẻ có kế hoạch đều có bước tiến bộ nhanh trong chiến tranh. Các bệnh lao, tả, thương hàn, đậu mùa,… đều được tiêm phòng vắc xin. Năm 1972 Tổ công tác liên hợp do Bác sỹ Nguyễn Văn Thăng làm tổ trưởng.
          Tháng 2 năm 1974 Bệnh viện được chuyển về thôn Xuân Hòa xã Hải Hòa (ngày nay) để xây dựng lại và phát triển cho đến ngày hôm nay. Tháng 2 năm 1975 Bác sỹ Lê Văn Hiến được Ty Y tế điều về làm trưởng phòng Y tế huyện, Bác sỹ Nguyễn Xuân Khuê làm Bệnh viện trưởng.
          3. Giai đoạn từ năm 1976 - 1992:
          Sau khi Miền nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, Năm 1975-1976 BV đã xây dựng hàng chục ngôi nhà bằng gạch, đá, mái ngói đỏ tươi, đủ chỗ triển khai cho các khoa cấp cứu, nội, lây, ngoại, sản, các chuyên khoa mắt, tai mũi họng, răng, phòng mổ, phòng khám đa khoa, nhà hành chính và khu tập thể với hơn 50 phòng ở cho nhân viên, khu hậu cần, nhà ăn, nhà bếp, nhà trẻ,.v.v. với quy mô 100 giường bệnh.
          Năm 1976 Y sỹ Vũ Kim Chung được Ty Y tế cử về làm Phó viện trưởng, kiêm Bí thư chi bộ Bệnh viện; Tháng 04/1984 tổ công tác liên hợp đổi tên thành đội VSPD - chống sốt rét do Bác sỹ Nguyễn Văn Thăng bệnh viện phó kiêm đội trưởng; Bs Nguyễn Văn Cường được bổ nhiệm làm Phó viện trưởng. Các chuyên khoa xã hội được tách ra và hoạt động tại phòng khám đa khoa của Bệnh viện.    
Sau chiến tranh các vùng kinh tế mới ở Phú Sơn, Phú Lâm, Tân Trường, Trường Lâm, được hình thành. Ngành y tế huyện phải đối mặt với các dịch sốt rét nặng nề ở các vùng kinh tế mới với hàng trăm người mắc và hàng chục người tử vong, vụ dịch tả năm 1980 ở các xã phía Bắc huyện, dịch bại liệt năm 1984 với hàng chục trẻ em bị tàn tật suốt đời, trong giai đoạn này Bệnh nhân đến khám và chữa bệnh phải được xét duyệt từng liều thuốc uống hàng ngày, như kháng sinh: Tetracylin - Clorocit. Cán bộ y tế đã Nhường nhau từng mét vải, chiếc lốp xe đạp được phân phối, chia nhau từng cân gạo, từng cân ngô, sắn gạc nai, mọc mạch theo chế độ tem phiếu, mà vui vẻ, đoàn kết, giữ vững phẩm chất người thầy thuốc, cùng nhau phấn đấu xây dựng bệnh viện, củng cố niềm tin trong nhân dân.
          Năm 1985 Đội vệ sinh phòng dịch chính thức tách khỏi Bệnh viện thành đơn vị độc lập do Bác sỹ Nguyễn Văn Thăng Đội trưởng và Y sỹ Vũ Kim Hiện làm Đội phó kiêm Bí thư chi bộ.
Năm 1986: Y sỹ Ngô Tấn Danh được bổ nhiệm làm phó Giám đốc, Bí thư chi bộ Bệnh viện;
Năm 1986 Bs Nguyễn Văn Cường thay Bs Nguyễn Xuân Khuê làm Giám đốc Bệnh viện
Năm 1986 thành lập phòng khám đa khoa khu vực Hải Yến, năm 1987 phòng khám đa khoa khu vực Hải Yến được nâng cấp thành Bệnh viện II - Tĩnh Gia là đơn vị độc lập với quy mô 50 giường bệnh do Bs Lê Trọng Hy làm Giám đốc và Bs Lê Minh Chiến làm phó Giám đốc kiêm Bí thư chi bộ.
Năm 1989 Bs Lê Đức Phượng thay Bs Nguyễn Văn Thăng về làm Đội trưởng đội vệ sinh phòng dịch.   
Năm 1989 Bs Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Bệnh viện kiêm Trưởng phòng Y tế thay Bs Lê Văn Hiến về nghỉ hưu.
          Như vậy đến năm 1987 ngành y tế huyện hình thành 3 đơn vị độc lập trực thuộc huyện ủy, UBND huyện với 3 chi bộ riêng biệt là: Bệnh viện huyện, Đội vệ sinh phòng dịch chống sốt rét và Bệnh viện II Hải Yến. Đội sinh đẻ kế hoạch vẫn sinh hoạt và làm việc chung với khoa sản.
Trong thời kỳ này toàn ngành y tế huyện và xã được trang bị bộ dụng cụ chuyên môn do UNICEF tài trợ. Đến năm 1989 được trang bị bộ dụng cụ sản khoa do UNFA cung cấp. Giai đoạn này các trang thiết bị, dụng cụ chuyên môn Y tế cần thiết cho tuyến huyện và xã cơ bản đáp ứng cho công tác cấp cứu, điều trị và chăm sóc sức khỏe nhân dân;
 Cùng trong thời kỳ này (1987) các Chương trình Y tế Quốc gia được triển khai và thực hiện có hiệu quả 34/34 xã, thị trấn như chương trình tiêm chủng mở rộng phòng 6 bệnh: Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Lao, Sởi, Bại liệt, chương trình chống sốt rét, phòng chống lao, phong, phòng chống các bệnh nhiễm trùng gây dịch, phong chống ỉa chảy ở trẻ em (CDD). Chương trình chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em và kế hoạch hóa gia đình, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em,…các bệnh dịch trong chương trình tiêm chủng mở rộng được đẩy lùi; các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu được triển khai đến tận người dân trong huyện.
 Lực lượng cán bộ y tế ở huyện và xã được tăng cường bằng nhiều nguồn đạo tạo trong cả nước. Đến năm 1992 tuyến huyện đã có 15 Bác sỹ, 3 Dược sỹ Đại học, nhiều cán bộ được nghỉ chế độ bảo hiểm xã hội (tinh giảm biên chế). Toàn ngành y tế bước vào thời kỳ đổi mới theo tinh thần đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 6, 7.
4. Giai đoạn 1992-2006
Tháng 4 năm 1992 theo quyết định của UBND tỉnh, Trung tâm Y tế được thành lập bao gồm các đơn vị thành viên như: Bệnh viện huyện, Bệnh viện II-Hải Yến, Đội vệ sinh phòng dịch, Phòng y tế và các trạm y tế xã; Bệnh viện II - Hải yến giải thể và trở thành phòng khám khu vực của Trung tâm y tế. Bs Nguyễn Văn Cường được quyết định làm Giám đốc, Bác sỹ Lê Tiến Dũng là Phó giám đốc phụ trách điều trị kiêm Bí thư Đảng bộ, Bác sỹ Lê Đức Phượng là Phó giám đốc phụ trách y tế dự phòng và khối y tế xã.
Đảng bộ Trung tâm y tế được thành lập gồm 4 Chi bộ: Chi bộ khối điều trị, Chi bộ khối dự phòng, Chi bộ khối văn phòng và Chi bộ phòng khám Hải yến.
 Toàn ngành y tế đã thực sự đổi mới về cơ cấu tổ chức và cán bộ: gồm 4 phòng ban chức năng. 10 khoa (có 8 khoa lâm sàng) 2 phòng khám. 2 đội (Đội vệ sinh phòng dịch chống sốt rét và các chuyên khoa xã hội ( Đội y tế dự phòng ), Đội bảo vệ bà mẹ trẻ em và kế hoạch hóa gia đình). Gần 100% các Trưởng phòng, Trưởng khoa, Đội trưởng là cán bộ Đại học và sau Đại học. Nhiều cán bộ được đi đào tạo Đại học và sau Đại học. Ở tuyến huyện đã có 130 cán bộ, có 30 Bác sỹ, 3 Dược sỹ Đại học, 1 cử nhân kế toán. Trong đó có 4 thạc sỹ, 4 Chuyên khoa cấp I, chỉ tiêu giường bệnh là 150.
Về cơ sở vật chất: Đã được trang bị nhiều thiết bị, dụng cụ Y tế, máy móc mới như: Máy X.Quang cản sóng, máy siêu âm, máy điện tim, máy theo dõi chức năng sống, máy gây mê, máy thở tự động, máy xét nghiệm máu và nước tiểu tự động. Đã triển khai nhiều loại xét nghiệm mà trước đây chưa làm được như: Hệ thống sàng lọc máu; HIV; Viêm gan B, C; Giang mai và nhiều loại xét nghiệm sinh hóa khác;
Năm 1996 xây dựng xong và đưa vào sử dụng ngôi nhà 2 tầng của khối ngoại - sản - liên chuyên khoa. Năm 2002 đưa vào sử dụng thêm 02 ngôi nhà 2 tầng của khối cấp cứu, nội nhi và đông y và nhà khối  Hành chính - Dược, phòng khám xét nghiệm bằng vốn ADB. Các phương tiện làm việc được đổi mới, các phòng làm việc và phòng bệnh nhân khang trang sạch sẽ hơn, thu hút được đông đảo nhân dân trong huyện tới khám và điều trị.
Công đoàn trung tâm y tế trở thành công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn ngành y tế. Đến năm 2000 toàn bộ cán bộ y tế xã trở thành thành viên công đoàn ngành y tế.
Các tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động có hiệu quả như: Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Y tá điều dưỡng.
Y tế tuyến xã được củng cố và hoàn thiện những bước cơ bản. từ chỗ 60% cán bộ y tế xã có trình độ sơ cấp đến năm 1995 có 100% cán bộ y tế có trình độ trung cấp trở lên và được hưởng lương và các chế độ phụ cấp như cán bộ nhà nước ( theo QĐ 58 của Thủ tướng chính phủ). Đến 2003 đã có 28 bác sỹ công tác ở 27 xã trong tổng số 150 cán bộ y tế xã. Hoạt động của các trạm Y tế xã có nhiều chuyển biến tiến bộ, có 7/34 xã, thị trấn đạt chuẩn QG về YT giai đoạn 2001-2010.
5. Giai đoạn từ năm 2006 đến 2014:
Thực hiện Quyết định số 660/QĐ-UBND ngày 10/3/2006 của Chủ tịch UBND tỉnh, Bệnh viện đa khoa Tĩnh Gia được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm y tế huyện vào tháng 6/2006, với quy mô 150 giường bệnh. Bệnh viện có 15 phòng, khoa với tổng số 135 cán bộ, viên chức, lao động, Trong đó thạc sỹ 4, bác sỹ chuyên khoa cấp I: 5, bác sỹ 17, Dược sỹ đại học 2…Năm 2009 bệnh viện được giao chỉ tiêu với quy mô giường bệnh là 200, bệnh viện gồm 18 khoa phòng.
Nhìn chung những năm gần đây bệnh viện có những bước phát triển vượt bậc cả về trình độ chuyên môn, khoa học kỹ thuật, cơ sở vật chất và trang thiết bị,
Năm 2010 bệnh viện được đầu tư xây dựng khu nhà 5 tầng đưa vào sử dụng với nguồn vốn 25 tỷ đồng, năm 2012 được xây dựng khu xử lý nước thải 3 tỷ đồng. Từ năm 2010 đến nay bệnh viện đang được thụ hưởng nhiều trang thiết bị có giá trị từ nguồn vốn hố trợ y tế các tỉnh Bắc Trung Bộ như: Xe cứu thương, Máy nội soi dạ dày tá tràng, máy thở, máy theo dõi bệnh nhân, làm nhà để xe cho cán bộ, viên chức, máy biến áp với tổng kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng và nhiều hạng mục công trình khác được sửa chữa, cải tạo để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Thời gian gần đây Bệnh viện đã được đầu tư nhiều trang thiết bị như: Máy chụp cắt lớp CT. Scanner, máy chạy thận nhân tạo,  máy kéo giãn cột sống, đo mật độ loãng xương, đo lưu huyết não, điện não vi tính, hệ thống xét nghiệm miễn dịch tự động, hệ thống oxy trung tâm, khí nén và hút áp lực, hệ thống phẫu thuật nội soi ổ bụng và tiết niệu, moritơ theo dõi chức năng sống, nội soi Tai Mũi Họng.… vv, với tổng giá trị hơn 30 tỷ đồng. Hoàn thiện và đưa vào sử dụng nhà dinh dưỡng, hội trường lớn, khoa chống nhiễm khuẩn, tường rào, đường cầu khuôn viên Bệnh viện và các công trình phụ trợ khác với tổng vốn đầu tư hơn 11 tỷ đồng.
Về tổ chức bộ máy: Bệnh viện đa khoa Tĩnh Gia là bệnh viện hạng III, Bệnh viện gồm: Lãnh đạo có Giám đốc và 02 Phó Giám đốc, 04 phòng chức năng, 14 khoa lâm sàng, cận lâm sàng, có 194 viên chức, người lao động. Bác sĩ: 30 người, trong đó: 08 Bác sỹ Chuyên khoa cấp I, 4 Thạc sỹ Y học, Cao cấp lý luận chính trị 02 đồng chí; 1 Dược sỹ Chuyên khoa I.
6. Giai đoạn từ năm 2014 đến nay.
Đến ngày 06/6/2014 Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định 1756/QĐ-UBND về việc thành lập Bệnh viện Đa khoa khu vực Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa từ khi thành lập đến nay bệnh viện không ngừng đầu tư phát triển về cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và nâng cao sức khỏe cho nhân dân trong Huyện cũng như các vùng lân cận.
Về tổ chức bộ máy: Bệnh viện đa khoa khu vực Tĩnh Gia là bệnh viện hạng II, Bệnh viện gồm: Lãnh đạo có Giám đốc và 02 Phó Giám đốc, 04 phòng chức năng, 10 khoa lâm sàng, 04 khoa cận lâm sàng, có 232 viên chức, người lao động. Bác sĩ: 49 người, trong đó: 03 Bác sỹ chuyên khoa cấp 2, 11 Bác sỹ Chuyên khoa cấp I, 3 Thạc sỹ Y học, 01 Dược sỹ Chuyên khoa I, Cao cấp lý luận chính trị 4 đồng chí, 01 Bác sĩ đang học bác sĩ chuyên khoa 2, 02 bác sỹ đang học Bác sỹ chuyên khoa cấp I, 01 bác sỹ đang học Cao học.

 
          Về thực hiện công tác khám chữa bệnh: Tình hình bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện trong những năm qua đã tăng lên đáng kể, ngoài số bệnh nhân của huyện Tĩnh Gia, số bệnh nhân là người lao động trong khu KT Nghi Sơn và các vùng lân cận đến khám và điều trị tại bệnh viện có xu hướng ngày càng tăng, nên bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải. Chỉ tiêu giường bệnh được giao kế hoạch là 200 giường bệnh, tuy nhiên hiện tại bệnh viện phải kê số giường là 420. Trong những năm gần đây tỷ lệ bệnh nhân khám bệnh tại bệnh viện đạt từ 170-182%; tỷ lệ bệnh nhân điều trị nội trú đạt từ 154-159%; số bệnh nhân được phẫu thuật hàng năm từ loại 3 trở lên trên 1.600-2.500 ca; công suất sử dụng giường bệnh luôn ở mức trên 150%.
    Bệnh viện cơ bản đã thực hiện được các dịch vụ kỹ thuật của một bệnh viện tuyến tỉnh, kể cả các lĩnh vực Nội, ngoại, sản, nhi, hồi sức cấp cứu.v.v...chất lượng dịch vụ đảm bảo, ngày điều trị trung bình phù hợp và chi phí hợp lý.
    Các hoạt động khác: Đảng bộ bệnh viện luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của đơn vị mà lãnh đaọ đạt hiệu quả cao, 04 năm liền Đảng bộ đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh, Bệnh viện nhiều năm đạt danh hiệu Bệnh viện xuất sắc, nhận được nhiều cờ thi đua, bằng khen của Bộ Y tế, UBND tỉnh và Sở Y tế, các tổ chức chính trị xã hội đều đạt danh hiệu vững mạnh xuất sắc, cơ quan luôn đạt cơ quan văn hóa, đời sống của cán bộ viên chức không ngừng được nâng cao.